NCS Trần Anh Quang bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Sáng ngày 31/5/2023, Phòng Sau đại học phối hợp với Khoa Vũ Khí tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Trần Anh Quang về đề tài Nghiên cứu phương pháp và xây dựng mô hình thiết bị đánh giá chất lượng tạo ảnh của hệ thống quang học làm việc trong vùng hồng ngoại 8-12µm, Ngành: Kỹ thuật cơ khí;  mã số: 9 52 01 03; do Thượng tá, TS Lê Duy Tuấn (Học viện KTQS) và Đại tá, PGS. TS Lê Hoàng Hải (Học viện KTQS) hướng dẫn.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: Đại tá, GS.TS Nguyễn Thái Dũng – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Đinh Văn Trung – Viện HLKH&CNVN, Phản biện 1; PGS.TS Vũ Toàn Thắng – Đại học BKHN, Phản biện 2; TS Ngô Ngọc Anh – Viện Đo lường VN, Phản biện 3; Thượng tá, PGS.TS Dương Chí Dũng – Học viện KTQS, Thư ký; Đại tá, TS Nguyễn Thu Cầm – Viện KH&CNQS , Ủy viên; Trung tá, TS Lê Văn Nhu – Học viện KTQS, Ủy viên.

Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Trần Anh Quang trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:

* Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn

Luận án đã nghiên cứu phương pháp tính ảnh hưởng của cơ cấu gá lắp đến quang sai mặt sóng của linh kiện quang học.

Luận án trình bày giải pháp để xây dựng mô hình đánh giá chất lượng của hệ thống quang học làm việc trong vùng phổ 8-12 μm với các thành phần chính là hệ chuẩn trực và vật hiển vi tự thiết kế, chế tạo.

Kết quả của luận án khẳng định khả năng thiết kế, chế tạo trong nước một thiết bị đo kiểm hệ quang ảnh nhiệt đáp ứng yêu cầu đề ra.

Có thể phát triển mô hình thiết bị trong luận án thành thiết bị hoàn thiện phục vụ đo kiểm các ống kính ảnh nhiệt tại các nhà máy và viện nghiên cứu trong nước.

* Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án

+ Các kết quả chính đạt được

– Luận án đã nghiên cứu, đề xuất một phương pháp khoa học để tính ảnh hưởng của cơ cấu gá lắp đến quang sai mặt sóng của linh kiện quang học. Bằng cách sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn để tính toán chuyển vị của các điểm nút trên bề mặt của linh kiện khi chúng chịu tác dụng bởi hệ lực gá kẹp của kết cấu cơ khí. Tiếp đó, nghiên cứu sinh làm khớp biên dạng bề mặt linh kiện với bề mặt phi cầu để tính các hệ số của đa thức Zernike Standard. Từ đó, xác định được quang sai mặt sóng trên phần mềm Zemax.

– Luận án đã thiết kế, chế tạo thành công hệ chuẩn trực, vật kính hiển vi hoạt động trong vùng phổ hồng ngoại 8-12 μm. Trong đó, hệ chuẩn trực được lựa chọn là hệ phản xạ sử dụng gương cầu chuẩn trực. Kết quả hoạt động thực nghiệm cho thấy hệ được khử quang sai tốt, có thể nhận biết được sự suy giảm chất lượng của HTQH cần kiểm tra. Vật kính hiển vi sử dụng vật kính aplanat để tính toán, thiết kế. Kết quả đo kiểm sai số hình dạng bề mặt các thấu kính của vật kính hiển vi đều nhỏ hơn λ/10; hoạt động thử nghiệm cho thấy vật kính đạt giới hạn nhiễu xạ.

– Luận án đã xây dựng được phần mềm xử lý ảnh để xác định hàm nhòe đường LSF và hàm truyền điều biến MTF của HTQH cần kiểm tra. Thông qua thuật toán xử lý ảnh cho kết quả hàm nhòe đường LSF và hàm truyền điều biến MTF một cách nhanh chóng và phù hợp với công bố của nhà sản xuất.

Với phương pháp tính toán, thiết kế khoa học, tường minh, luận án đã xây dựng thành công mô hình thiết bị đáp ứng yêu cầu đo kiểm quang học. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong tình hình ở Việt Nam, khi chưa có thiết bị nào có thể kiểm tra, đánh giá được chất lượng của hệ quang làm việc trong vùng phổ 8-12 µm.

+ Những đóng góp mới của luận án:

– Luận án đã nghiên cứu, đề xuất một phương pháp tính ảnh hưởng của yếu tố gá lắp đến quang sai mặt sóng của linh kiện quang học. Đây là đóng góp mới, có ý nghĩa thực tiễn trong quá trình thiết kế, chế tạo hệ quang có yêu cầu chất lượng cao.

– Luận án đã xây dựng cơ sở phương pháp luận để thiết kế, chế tạo mô hình đánh giá chất lượng tạo ảnh của hệ thống quang học làm việc trong vùng phổ hồng ngoại 8-12μm. Kết quả hoạt động thực nghiệm khi dùng mô hình thiết bị kiểm tra, đánh giá chất lượng ảnh của một số vật kính mẫu cho thấy kết quả phù hợp với công bố của nhà sản xuất.

Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Trần Anh Quang là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Trần Anh Quang./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*