Sáng ngày 26/8/2023, Phòng Sau đại học phối hợp với Khoa Vô tuyến điện tử tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Hoàng Đăng Cường về đề tài “Nghiên cứu giải pháp cải thiện băng thông và tăng ích của ăng-ten mảng phản xạ tái cấu hình cho các hệ thống thông tin vô tuyến”, Ngành: Kỹ thuật điện tử; mã số: 9 52 02 03; do PGS.TS Nguyễn Quốc Định (Học viện KTQS) và PGS.TS Lê Minh Thùy/Đại học BKHN hướng dẫn.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: Đại tá, PGS.TS Đỗ Quốc Trinh – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; GS.TS Bạch Gia Dương – Trường ĐHCN – Đại học QGHN, Phản biện 1; PGS.TS Nguyễn Xuân Quyền – Đại học BKHN, Phản biện 2; PGS.TS Lê Nhật Thăng – Học viện CNBCVT, Phản biện 3; Trung tá, TS Lương Duy Mạnh – Học viện KTQS, Thư ký; PGS.TS Trịnh Anh Vũ – Trường ĐHCN/Đại học QGHN, Ủy viên; Đại tá, TS Hoàng Đình Thuyên – Học viện KTQS, Ủy viên.
Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.
Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Hoàng Đăng Cường trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:
* Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn
Các hệ thống thông tin vô tuyến hiện đại như 5G, 6G, WiGig đang tiến đến khai thác các dải tần số băng Ka, Ku, V, W và sử dụng các giao diện vô tuyến mới với khả năng điều hướng búp sóng (Beam steering). Việc nghiên cứu các hệ anten có khả năng điều hướng búp sóng, cụ thể là anten mảng phản xạ tái cấu hình là cần thiết cho sự phát triển của các hệ thống thông tin vô tuyến thế hệ mới.
* Những đóng góp mới của luận án
– Luận án đã đề xuất ba cấu trúc phần tử mảng phản xạ tái cấu hình băng rộng bao gồm: một cấu trúc hai lớp và hai cấu trúc một lớp (quay phân cực và không quay phân cực) dựa trên giải pháp mô hình hóa 4 đi-ốt PIN cho phần tử mảng phản xạ tái cấu hình điều khiển 1 bit.
– Luận án đã đề xuất hai anten mảng phản xạ tái cấu hình kích thức 16 x 16 một lớp, băng rộng, tăng ích cao, 1 bit không quay phân cực và có quay phân cực hoạt động ở băng tần X và Ku.
Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Hoàng Đăng Cường là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Hoàng Đăng Cường./.
Leave a Reply