Sáng ngày 03/12/2022, Học Viện KTQS đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Nguyễn Tài Hoài Thanh (khóa 34) về đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao tuổi bền của dao phay cầu khi gia công trên máy CNC 5 trục ”, Ngành Kỹ thuật Cơ khí; mã số: 9.52.01.03; do Đại tá, TS Hồ Việt Hải (Học viện KTQS) hướng dẫn.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: Đại tá, GS.TS Đào Văn Hiệp – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; GS.TS Trần Văn Địch – Trường ĐH BKHN, Phản biện 1; PGS.TS Hoàng Văn Gợt – Viện nghiên cứu cơ khí/Bộ Công thương, Phản biện 2; PGS.TS Trần Ngọc Hiền – Trường ĐH GTVT, Phản biện 3; Trung tá, TS Đoàn Tất Khoa – Học viện KTQS, Thư ký; PGS.TS Nguyễn Huy Ninh – Trường ĐH BKHN, Ủy viên; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy – Viện Nhiệt đới Việt Nga, Ủy viên.
Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.
Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Nguyễn Tài Hoài Thanh trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:
* Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
+ Luận án góp phần làm rõ cơ sở khoa học về ý tưởng kéo dài tuổi bền của dao phay cầu khi gia công bề mặt không gian phức tạp trên máy CNC 5 trục bằng cách chủ động dịch đoạn lưỡi cắt làm việc của dao (DĐLC) và đóng góp một giải pháp thực thi ý tưởng đó.
+ Đã đề xuất và xây dựng được bộ công cụ tính toán và nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng phương pháp DĐLC và tiến hành nghiên cứu trên hệ thống xây dựng được.
+ Kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm trong luận án cho thấy ý tưởng DĐLC là khả thi về kỹ thuật, đã được thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm; cho thấy khả năng thực tế kéo dài tuổi bền của dao trong khi vẫn đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật khác của quá trình gia công.
* Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án
+ Góp phần bổ sung, củng cố cơ sở lý thuyết và thực tiễn của giải pháp dịch đoạn lưỡi cắt làm việc của dao phay cầu khi gia công các bề mặt không gian phức tạp trên máy phay CNC 5 trục;
+ Đã ứng dụng mạng nơ-ron nhân tạo để ước lượng tuổi bền của mỗi đai cắt làm cơ sở quyết định thời điểm dịch đoạn lưỡi cắt;
+ Xây dựng được thuật toán và viết phần mềm CTMSoft phục vụ nghiên cứu với các chức năng chính như: quản trị dữ liệu, quy hoạch thực nghiệm, mạng nơ-ron nhân tạo, phân tích dữ liệu từ tệp tin CL-Data. Thuật toán và phần mềm có thể kế thừa, phát triển thành công cụ giám sát mòn và tuổi bền của dao trong quá trình gia công;
Bước đầu có đánh giá tính khả thi và hiệu quả của giải pháp dịch đoạn lưỡi cắt làm việc, làm cơ sở mở rộng nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất.
Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Tài Hoài Thanh là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học, hội nghị khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Nguyễn Tài Hoài Thanh./.
Leave a Reply