NCS Nguyễn Đình Tĩnh bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Sáng ngày 17/6/2023, Phòng Sau đại học phối hợp với Khoa Vô tuyến điện tử tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Nguyễn Đình Tĩnh về đề tài Nghiên cứu phát hiện mục tiêu ngầm sử dụng sonar mặt mở tổng hợp nhiều máy thu khi tính đến sự thay đổi của vận tốc truyền âm theo độ sâu và hiệu ứng Doppler, Ngành: Kỹ thuật ra đa dẫn đường; mã số: 9 52 02 04; do Đại tá, PGS.TS Trịnh Đăng Khánh (Học viện KTQS) hướng dẫn.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: GS.TS Bạch Gia Dương – ĐHCN/ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Văn Đức – Đại học BKHN, Phản biện 1; Đại tá, PGS.TS Lê Vĩnh Hà – Viện KH&CNQS, Phản biện 2; Trung tá, TS Bùi Trường Giang – Học viện Hải quân, Phản biện 3; Thiếu tá, TS Nguyễn Ngọc Đông – Học viện KTQS, Thư ký; PGS.TS Nguyễn Hữu Thanh – Đại học BKHN, Ủy viên; Đại tá, TS Lê Thanh Hải – Viện KH&CNQS, Ủy viên.

Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Nguyễn Đình Tĩnh trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:

* Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn

+ Luận án đã phát triển được mô hình SAS nhiều máy thu có tính đến các quá trình vật lý đầy đủ hơn với các số liệu đo được về vận tốc truyền âm ở một số vùng biển Việt Nam. Với việc phát triển mô hình SAS nhiều máy thu này, luận án cung cấp cơ sở để khảo sát tham số của tín hiệu thu. Bên cạnh đó, luận án đã lựa chọn được giá trị vận tốc truyền âm tương đương cho xử lý tái tạo ảnh SAS để cải thiện được chất lượng ảnh và giảm được thời gian tính toán, xử lý.

+ Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần vào việc phát triển các hệ thống sonar nói chung và SAS nhiều máy thu nói riêng ở Việt Nam. Các kết quả khảo sát vận tốc truyền âm tương đương và khảo sát các tham số của tín hiệu thu với các dữ liệu về vận tốc truyền âm ở biển Việt Nam trong luận án cung cấp cơ sở cho các xử lý tái tạo ảnh SAS cũng như xử lý tín hiệu cho các sonar phát hiện các mục tiêu ở đáy biển.

* Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án

+ Phát triển mô hình SAS nhiều máy thu tính đến sự thay đổi của vận tốc truyền âm theo độ sâu và hiệu ứng Doppler với các số liệu về vận tốc truyền âm ở biển Việt Nam.

+  Đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng ảnh SAS và thời gian tính toán khi tái tạo ảnh SAS dựa trên khảo sát sự thay đổi của vận tốc truyền âm tương đương.

Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Đình Tĩnh là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Nguyễn Đình Tĩnh./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*