Sáng ngày 20/7/2022, Phòng Sau đại học đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Đỗ Văn Sĩ (khóa 37) về đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của rung khử ứng suất dư đến độ bền mỏi của chi tiết ”, Ngành Cơ kỹ thuật; mã số: 9 52 01 01; do Trung tá, TS Bùi Mạnh Cường (Học viện KTQS) và Đại tá, TS Nguyễn Văn Dương (Học viện KTQS) hướng dẫn.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Đại học QGHN, Chủ tịch Hội đồng; GS.TS Nguyễn Văn Lệ – Trường ĐH Thủy lợi, Phản biện 1; GS.TSKH Nguyễn Đông Anh – Viện Cơ học/Viện HLKH&CNVN, Phản biện 2; PGS.TS Vũ Lê Huy – Trường ĐH Phenikaa, Phản biện 3; Thượng tá, TS Lê Công Ích – Học viện KTQS, Thư ký; PGS.TS Nguyễn Đình Kiên – Viện Cơ học/Viện HLKH&CNVN, Ủy viên; Đại tá, PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Học viện KTQS, Ủy viên.
Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.
Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Đỗ Văn Sĩ trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:
* Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Ứng suất dư phát sinh trong chi tiết ở hầu hết các nguyên công chế tạo, từ tạo phôi đến gia công tinh. Sự có mặt của ứng suất dư có ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành, độ bền và tuổi thọ của chi tiết và kết cấu trong hầu hết các trường hợp. Vì vậy, khử ứng suất dư trở thành một nhu cầu hiển nhiên. Có một số phương pháp khác nhau để khử ứng suất dư, trong đó phương pháp rung được ghi nhận là có hiệu quả giảm ứng suất dư cao. Tuy vậy, chế độ rung không phù hợp có thể gây tác động ngược lại do tạo ra tải trọng thay đổi, nhất là những tải trọng có giá trị lớn. Vì vậy, các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm để xác định chế độ rung hợp lý, để tính toán giới hạn mỏi, tuổi thọ mỏi của chi tiết, kết cấu sau rung khử là việc làm cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
* Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án
Thiết lập được các phương trình thể hiện mối quan hệ giữa các tham số rung với ứng suất dư trong chi tiết và với sự thay đổi các đặc trưng bền mỏi của chi tiết sau rung khử ứng suất dư.
Xây dựng được các thuật toán và chương trình cho phép mô phỏng, tính toán, khảo sát số để xác định mức độ thay đổi ứng suất dư, giới hạn mỏi và tuổi thọ mỏi của chi tiết sau rung khử ứng suất dư với các thông số rung động khác nhau.
Đã tiến hành thí nghiệm để xác định chế độ rung hợp lý vừa giảm được ứng suất dư vừa cải thiện được đặc trưng bền mỏi của chi tiết. Kết quả thí nghiệm có giá trị kiểm chứng, đánh giá mức độ tin cậy của phương pháp lý thuyết và chương trình đã được thành lập.
Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Đỗ Văn Sĩ là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học, hội nghị khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Đỗ Văn Sĩ./.
Leave a Reply