NCS Vũ Văn Luận bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Sáng ngày 15/10/2022, Phòng Sau đại học tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Vũ Văn Luận về đề tài Nghiên cứu tổ chức xây dựng hệ thống đường cơ động chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Ngành: Chỉ huy, quản lý kỹ thuật; mã số: 9.86.02.20; do Thượng tá, TS Lê Trọng Cường (Học viện KTQS) và Đại tá, TS Nguyễn Duy Cảnh (Trường Sĩ quan Công binh)  hướng dẫn.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên:

  1. Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Học viện Quốc phòng, Chủ tịch Hội Đồng;
  2. Trung tướng , PGS.TS Trần Thái Bình – Viện Chiến lược QP , Phản biện 1;
  3. Trung tướng , PGS.TS Nguyễn Kim Thành – Học viện Quốc phòng, Phản biện 2;
  4. Đại tá, PGS.TS Hoàng Ngọc An – Học viện KTQS, Phản biện 3;
  5. Thượng tá, TS Trương Đức Minh – Học viện KTQS, Thư ký;
  6. Trung tướng , GS.TS Nguyễn Ngọc Thanh – Học viện Quốc phòng, Ủy viên;
  7. Đại tá, PGS.TS Phí Văn Tuấn – Học viện KTQS, Ủy viên.

Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Vũ Văn Luận trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:

– Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

Chiến dịch tiến công (CDTC) là loại hình chiến dịch cơ bản, chủ yếu của quân đội ta, cùng với chiến dịch phản công giữ vai trò quyết định giành thắng lợi của chiến tranh. Trong các CDTC, cơ động lực lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong tạo lập và chuyển hoá thế trận chiến dịch. Để bảo đảm cơ động cho các lực lượng chiến dịch, trước hết, cần phải xây dựng hệ thống đường cơ động đúng ý định chiến dịch, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong quá trình xây dựng.

Thực tiễn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quí về tổ chức xây dựng đường cơ động. Tuy nhiên, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), đã có nhiều thay đổi về phía địch, ta và địa bàn tác chiến, đòi hỏi phải nghiên cứu phát triển lý luận tổ chức xây dựng (TCXD) hệ thống đường cơ động CDTC trong điều kiện mới.

            –  Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án

+ Luận án xác định rõ cơ sở khoa học TCXD hệ thống đường cơ động CDTC trong chiến tranh BVTQ.

+ Xây dựng được khái niệm, xác định được đặc điểm, nhiệm vụ, yêu cầu TCXD hệ thống đường cơ động CDTC trong chiến tranh BVTQ.

+ Đề xuất nội dung TCXD hệ thống đường cơ động CDTC trong chiến tranh BVTQ gồm: Lựa chọn phương pháp TCXD, biện pháp thi công và tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng xây dựng hệ thống đường cơ động; Tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, hiệp đồng, bảo đảm xây dựng hệ thống đường cơ động; Tổ chức kiểm tra, điều chỉnh quá trình xây dựng hệ thống đường cơ động.

+ Đề xuất hệ thống giải pháp nhằm xây dựng, phát triển các nguồn lực cho xây dựng đường cơ động, sử dụng hợp lý các nguồn lực và nâng cao khả năng tổ chức, chỉ huy trong quá trình TCXD hệ thống đường cơ động CDTC. Các giải pháp luận án đề xuất phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của của Đảng, Nhà nước và Quân đội về chiến tranh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ; đồng thời, hướng tới xây dựng lực lượng công binh hiện đại.

Hội đồng kết luận: Đề tài luận án của NCS Vũ Văn Luận có tính cấp thiết cao, giá trị lý luận và thực tiễn tốt. Luận án là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, có tính mới và phù hợp với mã số chuyên ngành Chỉ huy, quản lý kỹ thuật. Các kết quả nghiên cứu của luận án là tin cậy, có tính ứng dụng cao. Tác giả đã công bố 06 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho NCS Vũ Văn Luận./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*