Ngày 29/7/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp bàn về các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ theo tinh thần Nghị quyết 29. Tham dự cuộc họp có đại diện các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm trong đào tạo tiến sĩ, lãnh đạo các đại học, học viện, trường đại học có đào tạo trình độ tiến sĩ trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng một trong những quyền tự chủ được giao sớm nhất cho các trường là quyền tự chủ đào tạo tiến sĩ, trước khá lâu so với thời điểm Luật GDĐH có hiệu lực năm 2013. Hơn 10 năm qua, các cơ sở đào tạo tiến sĩ thực hiện tất cả các khâu trong quá trình đào tạo: từ tuyển sinh, đào tạo đến cấp bằng. Bộ GDĐT làm nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện qui chế, thẩm định ngẫu nhiên một tỉ lệ luận án đã bảo vệ nhất định để giám sát chất lượng. Việc giao tự chủ về đào tạo tiến sĩ khi cơ chế quản trị đại học chưa kịp đổi mới, thiếu sự giám sát và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đã dẫn đến những bất cập. Chất lượng luận án ở một số cơ sở đào tạo không đảm bảo gây bức xúc dư luận xã hội: đề tài nghiên cứu không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, kết quả nghiên cứu không thể hiện được điểm mới, chất lượng nghiên cứu sinh yếu, cơ sở đào tạo tiến sĩ chưa quản lý chặt chẽ qui trình và chất lượng đào tạo… Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngoài bất cập về quản lý, hạn chế nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu sinh cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng luận án. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Đặc thù của đào tạo tiến sĩ là phải kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, với suất đầu tư quá thấp như hiện nay (trung bình khoảng 15 triệu đồng/NCS/năm) thì nhà trường khó có thể tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh được thực hiện nghiên cứu khoa học đáp ứng cầu về chất lượng luận án”.
Phát biểu tại cuộc họp, GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó chủ nhiệm Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: thực tế chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay còn yếu là do ngoài nguyên nhân đầu tư cho đào tạo nghiên cứu sinh thấp, cơ sở vật chất, thiết bị thiếu thốn và lạc hậu, người hướng dẫn bị hạn chế về đề tài và nguồn kinh phí hỗ trợ cho nghiên cứu sinh trong quá trình làm luận án…thì còn một nguyên nhân khác đó là một số nghiên cứu sinh chạy theo tâm lý “chuộng” bằng cấp, không xuất phát từ nhu cầu cơ bản của đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học. Trên cơ sở đó, GS Thuyết đề xuất cần siết chặt đầu vào của quá trình đào tạo tiến sĩ, cũng như tăng cường giám sát trong quá trình đào tạo tại cơ sở để đảm bảo chất lượng của tấm bằng tiến sĩ. Việc rà soát, thay đổi hay bổ sung chính sách, quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ phải được ưu tiên hàng đầu và đảm bảo phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Những ý kiến phát biểu của đại diện các cơ sở đào tạo tiến sĩ có uy tín trong cả nước như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số cơ sở đào tạo tiến sĩ của Bộ công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… đều cho rằng cần phải có những chính sách và biện pháp mạnh hơn trong đào tạo tiến sĩ để nâng cao chất lượng. Đại diện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Đức Chính-Trưởng ban đào tạo cho rằng phải quy định cứng các điều kiện về ngoại ngữ đầu vào đối với người dự tuyển (trước mắt là tiếng Anh) để đảm bảo nghiên cứu sinh có thể cập nhật những kiến thức, tri thức mới trong lĩnh vực nghiên cứu cũng như đảm bảo công cụ hỗ trợ nghiên cứu sinh trong việc công bố công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án tại các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của khu vực và thế giới. Đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh cần quốc tế hoá đào tạo tiến sĩ và áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng, tập trung vào tăng số lượng công bố quốc tế (của thầy hướng dẫn và nghiên cứu sinh) như một minh chứng về chất lượng đào tạo tiến sĩ, khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào quá trình hướng dẫn nghiên cứu sinh và đào tạo tiến sĩ.
Các đại biểu đã thảo luận rất thẳng thắn và đạt được sự đồng thuận đề xuất đổi mới qui chế đào tạo tiến sĩ ở những điểm sau:
1. Trình độ ngoại ngữ đầu vào là yêu cầu bắt buộc đối với NCS. Ngoại ngữ là công cụ để NCS sử dụng trong nghiên cứu, trao đổi học thuật, công bố kết quả. Vì thế NCS buộc phải có trình độ ngoại ngữ nhất định theo yêu cầu của lĩnh vực được đào tạo ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu chứ không phải ở đầu ra.
2. Các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải công khai đề tài, điều kiện thực hiện, tập thể hướng dẫn trên trang thông tin điện tử của trường để nghiên cứu sinh nộp đơn đăng ký. Việc tuyển nghiên cứu sinh có thể thực hiện nhiều lần trong năm và do cơ sở đào tạo qui định.
3. Các cơ sở đào tạo cần công bố rõ kinh phí cần thiết để thực hiện đề tài NCS và chỉ rõ nguồn kinh phí: ngân sách nhà nước, kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu KHCN các cấp, kinh phí từ doanh nghiệp,…
4. Cơ sở đào tạo tiến sĩ, người hướng dẫn luận án tiến sĩ, người tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ các cấp cần được qui định cụ thể theo hướng yêu cầu ngày càng cao để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về một số điểm quan trọng khác như: (1) yêu cầu công bố quốc tế liên quan đến luận án tiến sĩ cần quan tâm đến những ngành đặc thù để có qui định phù hợp; (2) có cần thiết quy định cứng khối lượng kiến thức của ngành đúng, ngành gần, ngành phù hợp không khi sự giao thoa ngày càng lớn giữa các ngành khoa học; (3) cần công khai luận án NCS trên trang thông tin điện tử của Bộ và của cơ sở đào tạo; (4) có nên duy trì phản biện độc lập như hiện nay hay tìm phương thức đánh giá luận án khác phù hợp hơn…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga kết luận: Bộ GDĐT tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp lần này, dự thảo quy chế tiến sĩ mới sẽ theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy tính tự chủ và tăng cường trách nhiệm giải trình; công khai, minh bạch thông tin của cơ sở đào tạo, tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học… để nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GDĐT rất mong tiếp tục nhận được ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động để sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nguồn: http://www.moet.gov.vn