Ngày 04/12/2021, Phòng Sau đại học phối hợp với Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Vũ Ngọc Anh về đề tài “Nghiên cứu ứng xử của kết cấu công trình ngầm chịu tác dụng của động đất với giản đồ gia tốc nhân tạo ”, Ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt; mã số: 9 58 02 06, do Đại tá, TS Cao Chu Quang (Học viện KTQS) và Đại tá, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (ĐH Công nghệ GTVT) hướng dẫn.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – ĐH QGHN, Chủ tịch Hội đồng; GS.TS Nguyễn Mạnh Yên – Trường ĐHXD, Phản biện 1; Đại tá, GS.TS Nguyễn Thái Chung – Học viện KTQS, Phản biện 2; GS.TS Phạm Ngọc Khánh – Trường ĐH Thủy lợi, Phản biện 3; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trí Tá – Học viện KTQS, Thư ký; PGS.TS Trần Tuấn Minh – Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Ủy viên; TS Nguyễn Xuân Kiều – BTL Công binh, Ủy viên.
Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.
Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Vũ Ngọc Anh trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:
– Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Hệ thống công trình ngầm nói chung và công trình ngầm phục vụ tàu điện ngầm nói riêng đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới hạ tầng quốc gia đặc biệt là các đô thị lớn, việc tính toán công trình ngầm chịu tác dụng của động đất là cần thiết trong công tác thiết kế. Trong các phương pháp tính công trình ngầm chịu động đất thì phân tích động lực học công trình ngầm là phương pháp phản ánh sự làm việc của kết cấu đường hầm gần nhất với thực tế, theo đó số liệu đầu vào quan trọng là các giản đồ gia tốc. Việt Nam hiện có ít dữ liệu về các trận động đất đã diễn ra nên cần xây dựng bộ dữ liệu giản đồ gia tốc nhân tạo để tính toán công trình ngầm chịu động đất theo phương pháp động lực học.
– Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án
+ Luận án đã nghiên cứu phương pháp của Hancock, tiêu chuẩn TCVN 9386-2012, phép biến đổi Wavelet và xây dựng chương trình PG01 phát sinh giản đồ gia tốc theo điều kiện khớp phổ phản ứng đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 9386-2012 trên nền ngôn ngữ lập trình Matlab. Phân tích, lựa chọn các bản ghi gia tốc phù hợp với điều kiện Hà Nội làm số liệu đầu vào và thử nghiệm số cho chương trình PG01.
+ Luận án nghiên cứu và cải biên thuật toán của Yamamoto, trên cơ sở đó xây dựng chương trình PG02 phát sinh ngẫu nhiên giản đồ gia tốc nhân tạo có phổ phản ứng phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 9386-2012. Sử dụng chương trình PG02 để xây dựng bộ số liệu giản đồ gia tốc nhân tạo trên nền đá gốc tại khu vực quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Các thuật toán, chương trình được kiểm chứng và có sự tin cậy.
+ Sử dụng chương trình Plaxis2D, với số liệu đầu vào tạo ra bởi chương trình PG01 và PG02, tính toán công trình ngầm tại khu vực Ba Đình – Hà Nội chịu tác dụng của động đất. Các số liệu kết quả tính toán có giá trị khoa học và thực tiễn
Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Vũ Ngọc Anh là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được công bố trên các bài báo, báo cáo khoa học quốc tế có chất lượng. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Vũ Ngọc Anh./.
Leave a Reply