NCS Trần Tiến Quân bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Chiều ngày 04/5/2023, Phòng Sau đại học phối hợp với Khoa Chỉ huy tham mưu kỹ thuật tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Trần Tiến Quân về đề tài Nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mô phỏng trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngành: Chỉ huy, quản lý kỹ thuật; mã số: 9 86 02 20; do Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Ngọc Lãng (Bộ Công an) và Đại tá, GS.TS Hướng Xuân Thạch (Học viện KTQS) hướng dẫn.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên:Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Học viện QP, Chủ tịch Hội đồng; Trung tướng, PGS.TS Vũ Văn Kiểu – Viện CLQP, Phản biện 1; Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Dũng Tiến – Tổng cục KT, Phản biện 2; Đại tá, PGS.TS Hoàng Ngọc An – Học viện KTQS, Phản biện 3; Thượng tá, TS Đặng Đình Toàn – Học viện KTQS, Thư ký; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Thái – Học viện QP, Ủy viên; Đại tá, PGS.TS Hồ Đức Vinh – Học viện KTQS, Ủy viên.

Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Trần Tiến Quân trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:

* Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn

Diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, được tiến hành định kỳ dưới sự chỉ đạo của quân khu hoặc Bộ Quốc phòng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng do tỉnh ủy (thành ủy), ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực tiếp tổ chức thực hiện. Một trong những đặc điểm nổi bật của diễn tập KVPT là hình thành hai khối A và B; vận hành cơ chế, lực lượng thực binh trong KVPT tỉnh, thành phố với những nội dung về chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng, chuẩn bị và thực hành tác chiến phòng thủ. Quá trình chuẩn bịvà thực hành diễn tập KVPT cần nhiều thời gian, chi phí và dễ gây mất an toàn cho người, trang bị kỹ thuật. Để rút ngắn thời gian, tăng nội dung các vấn đề huấn luyện trong diễn tập và giúp cho công tác kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn khung tập một cách thường xuyên, kịp thời, nhiều địa phương đã tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ mô phỏng (CNMP) vào toàn bộ hoặc một số vấn đề huấn luyện, từ đó đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng diễn tập.

            * Những đóng góp mới của luận án

– Đề xuất và luận giải rõ khái niệm ứng dụng CNTT, CNMP trong diễn tập KVPT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm cơ sở thống nhất nhận thức và luận giải các nội dung khoa học tiếp theo của luận án.

– Đề xuất và luận giải làm rõ các điều kiện triển khai ứng dụng CNTT, CNMP trong diễn tập KVPT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: môi trường pháp lý, con người, hạ tầng kỹ thuật CNTT, CNMP, giải pháp công nghệ và tài chính.

– Đề xuất 6 giải pháp ứng dụng CNTT, CNMP trong diễn tập KVPT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các giải pháp đề xuất bám sát cơ sở lý luận và thực tiễn, có tính khả thi cao.

– Các nội dung luận án đã đề xuất không những là đóng góp quan trọng cho khoa học chuyên ngành mà còn là những gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý ứng dụng CNTT, CNMP trong hoạt động quản lý; nghiên cứu phát triển ứng dụng CNTT, CNMP trong hoạt động quản lý.

Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Trần Tiến Quân là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ quân sự cho NCS Trần Tiến Quân./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*