NCS Lê Xuân Cường – NCS thứ 425 – bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Ngày 22/7/2019, Học viện KTQS đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Lê Xuân Cường với đề tài: “Nghiên cứu xác định loại vật nổ thông qua dấu vết ở hiện trường các vụ án có sử dụng chất nổ”, ngành Cơ kỹ thuật, mã số 9.52.01.01, do TS Nguyễn Văn Thủy và GS.TS Ngô Sỹ Hiền hướng dẫn.

Hội đồng chấm luận án có các thành viên: GS. TS Phạm Huy Chương – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS Phạm Đức Hùng – Học viện KTQS, Thư ký; GS. TSKH Vũ Duy Quang – Đại học Bách khoa Hà Nội, Phản biện 1; PGS. TS Trần Hữu Ứng – Học viện Cảnh sát Nhân dân, Phản biện 2; PGS. TS Bùi Ngọc Hồi – Viện KH&CNQS, Phản biện 3; PGS. TS Trần Đình Thành – Học viện KTQS, Ủy viên; PGS. TS Ngô Văn Hiền – Đại học Bách khoa Hà Nội, Ủy viên.

     Sự phù hợp của đề tài với chuyên ngành và mã số đăng ký:

Nội dung luận án của NCS Lê Xuân Cường phù hợp với tên đề tài nghiên cứu đã được phê duyệt và phù hợp với chuyên ngành Cơ kỹ thuật, mã số 9.52.01.01 theo Quyết định Số 6521/QĐ-BGDĐT ngày 10/10/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đề tài nghiên cứu của NCS Lê Xuân Cường không trùng lặp với các công trình, luận án đã công bố ở trong và ngoài nước. Trích dẫn tài liệu tham khảo trong luận án rõ ràng, đầy đủ, trung thực và cập nhật.

     Ý nghĩa khoa học và thực tiễn:

– Tội phạm hình sự, khủng bố sử dụng vật nổ có xu hướng gia tăng mạnh cả ở trên thế giới và trong nước nên việc nghiên cứu phương pháp xác định vật nổ dựa vào dấu vết để lại có tính cấp thiết, ngày càng mang tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn rất cao.

– Việc vận dụng cơ học kỹ thuật để nghiên cứu cơ chế hình thành và tác động của vụ nổ các vật nổ lên môi trường, qua đó tạo ra và để lại các dấu vết thu thập được là một hướng nghiên cứu độc đáo, có ý nghĩa khoa học. Khi kết hợp với phân tích hóa học có thể giúp xác định được khá chính xác các tham số vật nổ như: Khối lượng, tính chất vật liệu nổ, vật liệu vỏ bọc, vị trí bố trí… Từ đó, giúp đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả quá trình điều tra, phá án.

     Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án:

– Trên quan điểm vật lý nổ và cơ học môi trường liên tục, mô tả được cơ chế hình thành các dấu vết ở hiện trường. Đã mô phỏng, tính toán, phân tích và thực nghiệm được đối với các vật nổ điển hình: Lựu đạn quân dụng, vật nổ tự chế có và không vỏ bọc.

– Dựa vào các dấu vết và cơ chế hình thành, thông qua các thông số trung gian như độ sâu xuyên của mảnh vào môi trường, bán kính bay tản… từng bước xác định các đặc trưng cấu tạo của vật nổ: Loại vật liệu nổ, tính chất và độ dày vỏ bọc kim loại, mật độ nhồi thuốc nổ, đường kính vật nổ hình trụ… Xây dựng được quy trình khám nghiệm và xác định vật nổ tại hiện trường các vụ án có sử dụng chất nổ.

     Kết luận

Luận án của NCS Lê Xuân Cường là một công trình khoa học được tác giả thực hiện công phu, nghiêm túc. Các kết quả nghiên cứu của luận án có tính mới, có đóng góp về khoa học, thực tiễn và đủ tin cậy. Luận án đáp ứng các yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án tiến sĩ kỹ thuật theo quy chế của Bộ GD&ĐT và của Học viện KTQS. Các công trình đã công bố của tác giả phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của luận án và được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Tóm tắt luận án phản ánh trung thực nội dung nghiên cứu của luận án.

Với số phiếu tán thành 06/06 (PGS. TS Bùi Ngọc Hồi vắng mặt, đã báo cáo Chủ tịch Hội đồng và có ý kiến chính thức bằng văn bản, nêu rõ đồng ý cho phép bảo vệ), NCS thứ 425 Lê Xuân Cường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Học viện. Chúc đồng chí tiếp tục đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.