Ngày 24/5, Học viện KTQS đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Lê Trọng Tấn với đề tài: “Nghiên cứu tối ưu các thông số công nghệ khi tạo hình chi tiết dạng côn bằng phương pháp dập thủy cơ”, ngành: Kỹ thuật cơ khí; mã số: 9 52 01 03, do PGS.TS Phạm Văn Nghệ và Trung tá, TS. Đào Văn Lưu hướng dẫn.
Hội đồng chấm luận án có các thành viên: GS.TS Nguyễn Trọng Giảng – Đại học BKHN, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Đinh Văn Chiến – Đại học Mỏ-Địa chất, Phản biện 1; Đại tá, PGS.TS Đinh Văn Phong – Học viện KTQS, Phản biện 2; Thượng tá, PGS.TS Trần Ngọc Thanh – Viện KHCNQS, Phản biện 3; Thiếu tá, TS. Trần Đức Hoàn – Học viện KTQS, Thư ký; TS. Lê Trung Kiên – Đại học BKHN, Ủy viên; Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Trường An – Học viện KTQS, Ủy viên.
Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án
Đề tài luận án đã xác định miền làm việc của các thông số công nghệ và phân tích ảnh hưởng của chúng đến quá trình tạo hình và chất lượng sản phẩm, góp phần hoàn thiện việc nghiên cứu về công nghệ dập thủy cơ nói chung, dập thủy cơ chi tiết côn nói riêng.
Các kết quả thu được có thể giúp cho các cơ sở dập thủy cơ tham khảo để lựa chọn được các thông số công nghệ phù hợp để triển khai sản xuất.
Trang thiết bị của luận án có thể sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên ngành Gia công áp lực tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Các kết quả nghiên cứu có thể định hướng công nghệ trong công nghiệp tạo hình vật liệu.
Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án
Đề tài đã hoàn thành các mục đích, nhiệm vụ đề ra và có những đóng góp mới như sau:
– Là công bố đầu tiên trong nước về ảnh hưởng kết hợp một số thông số công nghệ cơ bản (áp suất chất lỏng (ban đầu và tạo hình), áp lực chặn, chiều dày tương đối của phôi) đến sự biến mỏng và khả năng biến dạng của vật liệu (thông qua chiều cao tương đối có thể dập được của sản phẩm). Sự ảnh hưởng nói trên được mô tả bởi các mô hình toán, cho phép xác định các thông số công nghệ tối ưu;
– Đã đưa ra các bộ thông số công nghệ cơ bản hợp lý cho quá trình dập thủy cơ chi tiết dạng côn cao đối với 3 loại vật liệu Cu99,97; C08s; 08Cr18N10. Các bộ thông số công nghệ này cho phép tạo hình chi tiết với chiều sâu tương đối lớn nhất và độ biến mỏng thành nhỏ nhất tại hai vị trí có nguy cơ phá hủy.
Luận án có kết cấu hợp lý, tư liệu, số liệu trong luận án đảm bảo độ tin cậy, phương pháp sử dụng để nghiên cứu có tính khoa học.
Luận án trình bày rõ ràng, số liệu trung thực, tóm tắt luận án phản ánh kết cấu và nội dung phù hợp so với luận án. Các công bố khoa học phản ánh các kết quả của luận án, được đăng trên các tạp chí và kỷ yếu Hội nghị có uy tín, phù hợp với chuyên ngành.
NCS báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu rõ ràng, mạch lạc và trả lời tốt các câu hỏi nêu ra của Hội đồng và các nhà khoa học được mời tham dự.
Hội đồng nhất trí đánh giá: Luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS Lê Trọng Tấn là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu và trang thiết bị thực nghiệm phù hợp, hiện đại. Luận án đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án tiến sĩ kỹ thuật theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Học viện KTQS. Các kết quả nghiên cứu trong luận án là tin cậy và có sức thuyết phục. Các công trình đã công bố của tác giả phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của luận án và được đăng trên các tạp chí, kỷ yếu Hội nghị khoa học về chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Tóm tắt luận án phản ánh trung thực nội dung nghiên cứu của luận án
Với số phiếu tán thành 7/7, chúc mừng NCS Lê Trọng Tấn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Học viện.