NCS Lê Phạm Bình bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Sáng ngày 12/8/2023, Phòng Sau đại học phối hợp với Khoa Cơ khí tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện bằng tiếng Anh cho NCS Lê Phạm Bình về đề tài: Linear Static and Dynamic Analysis of FGM Porous Nanoplates Resting on Elastic Foundation Using Nonlocal Elasticity Theory(tên tiếng Việt: “Phân tích tuyến tính tĩnh và động lực học của tấm nano bằng vật liệu xốp cơ tính biến thiên sử dụng lý thuyết đàn hồi phi cục bộ”)  ngành: Cơ kỹ thuật; mã số: 9 52 01 01 do Đại tá PGS.TS Đoàn Trắc Luật (Học viện KTQS) và Thiếu tướng PGS.TS Lê Minh Thái ( Học viện KTQS) hướng dẫn.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: GS.TSKH Nguyễn Đông Anh – Viện HLKH&CNVN, Chủ tịch Hội đồng; GS.TSKH Nguyễn Tiến Khiêm – Viện HLKH&CNVN, Phản biện 1; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Đại học QGHN, Phản biện 2; GS.TS Trần Văn Liên – Trường ĐHXD Hà Nội, Phản biện 3; Trung tá, TS Nguyễn Thị Cẩm Nhung – Học viện KTQS, Thư ký; Đại tá, GS.TS Nguyễn Thái Chung – Học viện KTQS, Ủy viên; Thượng tá, PGS.TS Đỗ Văn Thơm – Học viện KTQS, Ủy viên.

Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Lê Phạm Bình trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:

* Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển đòi hỏi các kết cấu có kích thước nhỏ gọn. Các kết cấu có kích thước micromet, nanomet ngày càng được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực điện tử y sinh, hàng không vũ trụ, công nghiệp quốc phòng,…. Tấm nano là một trong những cấu trúc quan trọng được sử dụng trong các điện tử có độ chính xác cao. Các nghiên cứu lý thuyết và mô phỏng động học phân tử cho thấy các lý thuyết tính toán thông thường cho các kết cấu có kích thước từ milimet trở lên không còn chính xác đối với các kết cấu có kích thước micromet, nanomet. Việc nghiên cứu ứng xử cơ học của kết cấu nano luận án đặt ra là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

            * Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án

– Trên cơ sở lý thuyết đàn hồi phi cục bộ, lý thuyết biến dạng cắt bậc nhất và phương pháp phần tử hữu hạn, tác giả luận án đã xây dựng mô hình, thuật toán phần tử hữu hạn và bộ chương trình tính để giải bài toán uốn tĩnh, dao động riêng và dao động cưỡng bức của tấm nano làm bằng vật liệu xốp cơ tính biến thiên trên nền đàn hồi. Luận án đã khảo sát các hình dạng tấm khác nhau như tấm hình chữ nhật, hình chữ L, hình vành khuyên và hình bán khuyên với các điều kiện biên khác nhau.

– Đã khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố như hệ số phi cục bộ, đặc trưng vật liệu, kích thước hình học, độ cứng nền đàn hồi và điều kiện biên đến đáp ứng tĩnh, dao động riêng và dao động cưỡng bức của tấm nano. Từ các số liệu khảo sát, tác giả luận án đã đưa ra những nhận xét có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Bộ số liệu của luận án là tài liệu tham khảo hữu ích trong việc tính toán, thiết kế kết cấu tấm nano.

Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Lê Phạm Bình là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Lê Phạm Bình./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*