Luận văn thạc sĩ

I. YÊU CẦU ĐỐI VỚI LUẬN VĂN THẠC SĨ

  1. a) Luận văn của chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu là một báo cáo khoa học, có đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật hoặc có kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự thuộc chuyên ngành đào tạo;
  2. b) Luận văn của chương trình đạo tạo theo định hướng ứng dụng là một báo cáo chuyên đề kết quả nghiên cứu giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoặc báo cáo kết quả tổ chức, triển khai áp dụng một nghiên cứu lý thuyết, một mô hình mới… trong lĩnh vực chuyên ngành vào thực tế;
  3. c) Luận văn phải có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, giá trị văn hoá, đạo đức và phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam;
  4. d) Luận văn phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác hoặc của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ, rõ ràng tại vị trí trích dẫn và tại danh mục tài liệu tham khảo. Kết quả nghiên cứu trong luận văn phải là kết quả lao động của chính tác giả, chưa được người khác công bố trong bất cứ một công trình nghiên cứu nào.
    đ) Luận văn phải được trình bày khoa học, rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết, không tẩy xóa.
  1. Học viện quy định cụ thể cách thức trình bày luận văn trong hướng dẫn thực hiện Quy định này.

II. MẪU TRÌNH BÀY QUYỂN LUẬN VĂN THẠC SĨ

 1. Hình thức chung trình bày luận văn:

Luận văn thạc sĩ phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xoá, có đánh số trang, đánh số bảng, hình vẽ, đồ thị và công thức. Luận văn đóng bìa cứng, in chữ nhũ. Cụ thể:

– Soạn thảo văn bản: Luận văn được trình bày trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210 x 297 mm), dày không quá 150 trang, không kể phụ lục. Luận văn sử dụng font chữ Times New Roman cỡ 14 của hệ soạn thảo Winword hoặc tương đương; mật độ chữ bình thường, dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines; lề trên 3,5cm; lề dưới 3cm; lề trái 3,5cm; lề phải 2cm.

– Số trang được đánh ở giữa, phía trên đầu mỗi trang giấy bắt đầu từ trang số 1, nằm ở phần MỞ ĐẦU. Nếu có bảng biểu, hình vẽ trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề trái của trang.

– Tiểu mục: Các tiểu mục của luận văn được trình bày và đánh số thành nhóm số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất là chỉ số. Tại mỗi mục phải có ít nhất 2 tiểu mục.

– Bảng, hình vẽ, công thức: Việc đánh số bảng, hình vẽ, công thức gắn với số chương (ví dụ Hình 3.4 có nghĩa là hình thứ 4 trong chương 3). Đầu đề của bảng biểu ghi phía trên bảng, căn giữa, đầu đề của hình vẽ ghi phía dưới hình, căn giữa, cỡ chữ phải bằng cỡ chữ sử dụng trong văn bản luận văn, số công thức để trong ngoặc đơn và căn phải. Trong trường hợp công thức dài hơn một dòng thì số công thức được đánh ở dòng dưới căn phải.

– Viết tắt: Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong luận văn. Viết tắt sau lần viết đầy đủ thứ nhất và chữ viết tắt để trong ngoặc đơn. Nếu luận văn có nhiều hơn 10 chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo thứ tự A, B, C) ở phần đầu luận văn.

– Phụ lục của luận văn: Phần này bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh họa hoặc bổ trợ cho nội dung luận văn, như: chương trình tính, kết quả khảo sát trên mô hình số, các số liệu, mẫu biểu, tranh ảnh… Phụ lục không được đánh số trang, không được dày hơn phần chính của luận văn.

– Mục lục: Mục lục chỉ đưa đến nhóm tiểu mục (tức là đến 3 chữ số).

– Tài liệu tham khảo và cách trích dẫn:

+ Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa, mang tính chất gợi ý không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục Tài liệu tham khảo của luận văn. Việc trích dẫn là theo số thứ tự của tài liệu ở danh mục Tài liệu tham khảo và được đặt trong ngoặc vuông, khi cần có cả số trang, ví dụ: [15, tr.314-315].

+ Tài liệu tham khảo được xếp riêng theo thứ tự từng ngôn ngữ như sau: Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung, Nhật… Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch, kể cả tài liệu bằng tiếng Trung Quốc, Nhật …

+ Tài liệu tham khảo xếp theo thứ tự ABC họ tên tác giả theo quy định tên của từng nước, riêng tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo thứ tự ABC từ đầu tiên của tên cơ quan ban hành báo cáo hay ấn phẩm.

+  Tài liệu tham khảo sách, luận văn, báo cáo phải ghi đầy đủ thông tin sau:

  • Tên các tác giả hoặc cơ quan ban hành,
  • Năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn),
  • Tên sách, luận văn hoặc báo cáo (in nghiêng, dấu phẩy cuối tên),
  • Nhà xuất bản (dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản),
  • Nơi xuất bản (dấu chấm kết thúc tài liệu tham khảo).

+ Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, bài trong một cuốn sách v.v… phải ghi đầy đủ các thông tin sau:

  • Tên các tác giả,
  • Năm công bố (đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn),
  • Tên bài báo (trong ngoặc kép, không in nghiêng),
  • Tên tạp chí hoặc tên sách (in nghiêng, dấu phẩy cuối tên),
  • Tập,
  • Số (đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn),
  • Các số trang (gạch ngang giữa hai chữ số, dấu chấm kết thúc).

+ Nếu tài liệu dài hơn một dòng thì nên trình bày sao cho từ dòng thứ hai lùi vào so với dòng thứ nhất khoảng 1cm để rõ ràng, dễ theo dõi.

+ Số thứ tự tài liệu được đánh số từ 1 đến hết.

2. Đĩa CD

Khi nộp luận văn và đĩa CD phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau:

– Học viên cao học nộp 02 quyển (học viên dân sự 01 quyển) luận văn thạc sĩ và 01 đĩa CD cho Ban Thư viện vào các ngày theo quy định.

– Đĩa CD chứa ba file như sau:

+ File 1: Chứa nội dung toàn văn của luận văn (Từ bìa đến các phụ lục); tên file đặt theo quy tắc: Mã học viên.doc hoặc Mã học viên.docx

+ File 2: file nén chứa chương trình, kết quả tính, sơ đồ, ảnh,…; tên file đặt theo quy tắc: Mã học viên_PL.rar

+ File 3: chứa mục lục của luận văn, các kết quả đạt được; tên file đặt theo quy tắc: Mã học viên_ML.doc

– Nhãn đĩa CD chứa đầy đủ các thông tin theo mẫu nhãn đĩa bên dưới: Đoàn Quý Nhật Nam

– Chất lượng đĩa CD phải đảm bảo sử dụng được và đĩa phải được đựng trong hộp nhựa cứng, gáy dày 1cm hình chữ nhật.

Xem: Hướng dẫn chi tiết và Mẫu trình bày luận văn (định dạng WORD)