NCS Đỗ Ngọc Tuấn bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Sáng ngày 29/7/2023, Phòng Sau đại học phối hợp với Khoa Vô tuyến điện tử tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện bằng tiếng Anh cho NCS Đỗ Ngọc Tuấn về đề tài: Side Channel Attack based on Distribution of Sampling Correlation and Multi-output Neural Network for Hardware Security(tên tiếng Việt: “Nghiên cứu tấn công kênh bên dựa trên phân bố tương quan mẫu và mạng nơ-ron đa đầu ra phục vụ cho an toàn phần cứng”), Ngành: Kỹ thuật điện tử; mã số: 9 52 02 03; do Thượng tá, PGS.TS Hoàng Văn Phúc (Học viện KTQS); GS.TS Phạm Công Kha (Đại học Điện tử – Truyền thông Tokyo) hướng dẫn.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện gồm các thành viên: Đại tá, GS.TS Trần Xuân Nam – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng;  PGS.TS Trần Xuân Tú – Đại học QGHN, Phản biện 1; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hiếu Minh – Viện KH&CN Mật mã/Ban CYCP, Phản biện 2; PGS.TS Nguyễn Xuân Quyền – Đại học BKHN, Phản biện 3; Trung tá, PGS.TS Trịnh Quang Kiên – Học viện KTQS, Thư ký; PGS.TS Đào Thanh Toản – Trường ĐH GTVT, Ủy viên; Đại tá, TS Mai Quốc Khánh – Học viện KTQS, Ủy viên.

Khách mời tham dự buổi bảo vệ còn có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Học viện, các bạn bè, đồng nghiệp và người thân của NCS.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Đỗ Ngọc Tuấn trình bày luận án và trả lời các câu hỏi, Hội đồng đã thống nhất đánh giá:

* Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn

Các thiết bị mật mã hiện nay được sử dụng rộng rãi để đảm bảo an toàn thông tin cho nhiều lĩnh vực quan trọng trong xã hội. Với những lợi ích mang lại, các thiết bị mật mã trở thành đối tượng tấn công hàng đầu của những bên muốn khai thác trái phép thông tin. Một trong những tấn công có tính hiệu quả cao là tấn công kênh bên (SCA). Các tấn công kênh bên mặc dù đòi hỏi rất nhiều điều kiện ràng buộc để có thể thực hiện được, tuy nhiên đây là kiểu tấn công hiệu quả trong cả lý thuyết và thực hành.Việc áp dụng các biện pháp chống tấn công kênh bên đã và đang được nghiên cứu rộng rãi trong cả môi trường học thuật cũng như triển khai thực tế nhằm nâng cao mức độ an toàn cho thiết bị. Tuy nhiên, song song với các biện pháp phòng chống, các kỹ thuật tấn công luôn cần được nghiên cứu và cập nhật nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ cũng như phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn. Bài toán nghiên cứu do nghiên cứu sinh đặt ra là đảm bảo về tính thời sự và khoa học cần giải quyết.

            * Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án

– Đề xuất hai phương pháp tấn công kênh bên bằng phân tích năng lượng tương quan (CPA) dùng kỹ thuật phân phối tương quan mẫu (P-CPA) và kỹ thuật hiệu chỉnh vết năng lượng (BP-CPA) có độ phức tạp thấp.

– Đề xuất kỹ thuật giảm số chiều dữ liệu(phương pháp P-CPA) và kỹ thuật gán nhãn SHW để giải quyết các vấn đề do tập dữ liệu mất cân bằngtrong kỹ thuật DLSCAcó khả năng vượt qua cáckỹ thuật chống tấn công phổ biến mà không cần thực hiện tiền xử lý dữ liệu.

– Đề xuất một mạng nơ-ron phân loại đa đầu ra và hồi qui đa đầu ra để giảm thiểu những hạn chế của DLSCA một đầu ra giúp giảm thời gian tấn công và tăng tỉ lệ thành công cho các tấn công không lập mẫu lên thiết bị mã mật có áp dụng các kỹ thuật chống tấn công phổ biến.

Hội đồng kết luận: Luận án tiến sĩ của NCS Đỗ Ngọc Tuấn là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách nghiêm túc, đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả 7/7 thành viên đồng ý thông qua và Hội đồng cũng đã kiến nghị Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Đỗ Ngọc Tuấn./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*