Ngày 19/01/2019, Học viện KTQS đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Hồ Mạnh Cường với đề tài “Nghiên cứu phương pháp xác định các tham số của vật liệu sử dụng sóng điện từ ở dải siêu cao tần”, ngành: Kỹ thuật Điện tử; mã số: 9.52.02.03, do PGS. TS Vũ Văn Yêm hướng dẫn.
Hội đồng đánh giá luận án gồm các thành viên: PGS. TS Đỗ Quốc Trinh – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; GS. TS Bạch Gia Dương – Đại học Quốc gia Hà Nội, Phản biện 1; PGS. TS Lê Vĩnh Hà – Viện KH&CNQS, Phản biện 2; PGS. TS Hoàng Mạnh Thắng – ĐH Bách khoa Hà Nội, Phản biện 3; TS Nguyễn Huy Hoàng – Học viện KTQS, Thư ký; PGS. TS Đặng Hoài Bắc – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Ủy viên; TS Hoàng Đình Thuyên – Học viện KTQS, Ủy viên.
Nội dung luận án của NCS Hồ Mạnh Cường phù hợp với tên đề tài nghiên cứu đã được phê duyệt và phù hợp với chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, mã số 9.52.02.03 theo Quyết định Số 6521/QĐ-BGDĐT ngày 10/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề tài nghiên cứu của NCS Hồ Mạnh Cường không trùng lặp với các công trình, luận án đã công bố ở trong và ngoài nước. Việc trích dẫn tài liệu tham khảo của NCS là rõ ràng, đầy đủ, trung thực và cập nhật.
Về ý nghĩa khoa học: Hiện nay, các mạch tích hợp có mặt trong hầu hết các hệ thống vô tuyến siêu cao tần. Việc nghiên cứu phát triển các mạch tích hợp siêu cao tần yêu cầu phải biết các đặc tính và tham số điện môi của các vật liệu nền được sử dụng trong dải tần này. Luận án tập trung nghiên cứu đề xuất các mô hình và thuật toán mới để ước lượng, đánh giá các đặc tính và các tham số của vật liệu sử dụng sóng điện từ ở dải siêu cao tần, đáp ứng các yêu cầu nêu trên.
Về ý nghĩa thực tiễn: Luận án đã sử dụng mô hình một đường truyền và hai đường truyền vi dải để xác định thực tế các tham số của vật liệu RO – 4350B và vật liệu FR4 – KB – 6160. Các kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng được khi tính toán thiết kế các mạch tích hợp dùng hai vật liệu nói trên.
Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án: Đề xuất mô hình một đường truyền và hai đường truyền cho phương pháp sử dụng kỹ thuật đường truyền vi dải để xác định tham số của vật liệu ở dải siêu cao tần; đề xuất mô hình hai đường truyền và thuật toán độ phân giải cao cho phương pháp sử dụng truyền sóng điện từ trong không gian tự do để xác định và ước lượng tham số của vật liệu làm việc ở băng tần X, cho phép cải thiện độ chính xác của ước lượng.
Luận án của NCS Hồ Mạnh Cường là công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách công phu, nghiêm túc. Các kết quả nghiên cứu trong luận án là tin cậy; có đóng góp về khoa học và thực tiễn. Luận án đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án tiến sĩ kỹ thuật theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Học viện KTQS. Các công trình đã công bố của tác giả phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của luận án và được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Tóm tắt luận án phản ánh trung thực nội dung nghiên cứu của luận án.
Với số phiếu tán thành 7/7, chúc mừng NCS Nguyễn Mạnh Cường đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện KTQS. Hy vọng sau khi trở về Trường Đại học Điện lực tiếp tục công tác, đồng chí sẽ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp NCKH và giảng dạy.