NCS Nguyễn Hữu Minh bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Ngày 29/5, Học viện KTQS đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Nguyễn Hữu Minh với đề tài: Nghiên cứu phát triển kỹ thuật mã hóa mạng lớp vật lý trong hệ thống chuyển tiếp vô tuyến hai chiều, ngành: Kỹ thuật điện tử; mã số: 9 52 02 03, do Trung tá, TS. Phạm Văn Biển – Trung tâm Phát thanh và THQĐ và Đại tá, PGS.TS Trần Xuân Nam – Học viện KTQS hướng dẫn.

Hội đồng chấm luận án có các thành viên: Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Thanh Hải – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Trịnh Anh Vũ – ĐHCN/ĐHQGHN, Phản biện 1; PGS.TS Lê Nhật Thăng – Học viện CNBCVT, Phản biện 2; PGS.TS Hoàng Mạnh Thắng – Đại học BKHN, Phản biện 3; Đại tá, TS. Lê Hải Nam – Học viện KTQS, Thư ký; Đại tá, PGS.TS Bạch Nhật Hồng – Viện KH&CNQS, Ủy viên; Thiếu tá, PGS.TS Nguyễn Quốc Định – Học viện KTQS, Ủy viên.

Sau khi xem xét hồ sơ luận án, nghe NCS Nguyễn Hữu Minh trình bày luận án, các ý kiến của ba người phản biện luận án (có văn bản kèm theo), nghe NCS trả lời các câu hỏi của Hội đồng, khách mời và tổng hợp các ý kiến của tập thể và cá nhân đã đọc tóm tắt luận án, Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện đã thảo luận và thống nhất quyết nghị:

Sự phù hợp của đề tài với chuyên ngành và mã số đăng ký

Nội dung luận án của NCS Nguyễn Hữu Minh phù hợp với tên đề tài nghiên cứu đã được phê duyệt và phù hợp với chuyên ngành Kỹ thuật điện tử, mã số 9.52.02.03 theo quyết định số 6521/QĐ-BGDĐT ngày 10/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề tài nghiên cứu của NCS Nguyễn Hữu Minh không trùng lặp so với các công trình, luận án đã công bố trong và ngoài nước. Việc trích dẫn tài liệu tham khảo của NCS là rõ ràng, đầy đủ và trung thực.

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

– Ý nghĩa khoa học: Luận án nghiên cứu kỹ thuật mã hóa mạng lớp vật lý sử dụng ánh xạ tuyến tính và phi tuyến, ngoài ra kết hợp giữa kỹ thuật mã hóa mạng lớp vật lý với kỹ thuật STBC và điều chế không gian SM để cải thiện phẩm chất SER, giảm độ phức tạp ước lượng tại nút chuyển tiếp và nâng cao hiệu quả phổ cho mạng chuyển tiếp hai chiều, vì vậy có ý nghĩa khoa học tốt.

– Ý nghĩa thực tiễn: Các kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng cho các mạng vô tuyến thế hệ mới nhằm mở rộng vùng phủ sóng cũng như nâng cao phẩm chất cuả hệ thống.

Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án

– Đề xuất giải pháp ước lượng và ánh xạ phi tuyến trong kỹ thuật mã hoá mạng lớp vật lý kết hợp với kỹ thuật mã không gian-thời gian STBC, cho phép cải thiện phẩm chất cũng như thông lượng hệ thống chuyển tiếp hai chiều.

– Đề xuất giải pháp ước lượng tín hiệu có độ phức tạp thấp cho kỹ thuật mã hoá mạng lớp vật lý ánh xạ tuyến tính dựa trên kỹ thuật lượng tử kênh và kết hợp kỹ thuật khử nhiễu liên tiếp SIC cải tiến, đảm bảo phẩm chất tốt của hệ thống.

– Đề xuất giải pháp ước lượng tín hiệu có độ phức tạp thấp cho hệ thống chuyển tiếp hai chiều kết hợp mã hoá mạng lớp vật lý ánh xạ tuyến tính và kỹ thuật điều chế không gian, cho phép cải thiện đáng kể phẩm chất hệ thống này.

Kết luận

Với số phiếu tán thành 7/7, Hội đồng nhất trí đánh giá: Luận án tiến sĩ kỹ thuật của NCS Nguyễn Hữu Minh là một công trình khoa học nghiêm túc. Luận án đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án tiến sĩ kỹ thuật theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện KTQS. Các kết quả nghiên cứu của luận án là tin cậy và có sức thuyết phục. Các công trình đã công bố của tác giả phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của luận án và được đăng trên các tạp chí, hội nghị khoa học chuyên ngành có uy tín.