NCS Chu Văn Hải – NCS thứ 415 – bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Ngày 08/4, Học viện KTQS đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Chu Văn Hải với đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật ước lượng và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định SAR của thiết bị vô tuyến nhiều anten phát ngành: Kỹ thuật điện tử; mã số: 9 52 02 03, do TS. Nguyễn Huy Hoàng và TS. Lê Đình Thành hướng dẫn.

Hội đồng chấm luận án có các thành viên: PGS.TS Đỗ Quốc Trinh – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Lê Nhật Thăng – Học viện CNBCVT, Phản biện 1; PGS.TS Nguyễn Tùng Hưng – Bộ Tư lệnh 86, Phản biện 2; PGS.TS Nguyễn Quốc Định – Học viện KTQS, Phản biện 3; TS Phạm Thanh Hiệp – Học viện KTQS, Thư ký; PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Học viện CNBCVT, Ủy viên; TS Phan Xuân Vũ – Đại học Bách khoa HN, Ủy viên.

Nội dung luận án của NCS Chu Văn Hải phù hợp với tên đề tài nghiên cứu đã được phê duyệt và phù hợp với chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, mã số 9.52.02.03 theo quyết định số 6521/QĐ-BGDĐT ngày 10/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề tài nghiên cứu của NCS Chu Văn Hải không trùng lặp với các công trình, luận án đã công bố ởtrong và ngoài nước. Việc trích dẫn tài liệu tham khảo của NCS là rõ ràng, đầy đủ, trung thực và cập nhật.

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Luận án:

Hiện nay, khi các thiết bị vô tuyến đang được sử dụng ngày càng nhiều với mật độ cao thì vấn đề an toàn của bức xạ sóng điện từ đối với sức khoẻ con người càng được đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo giới hạn bức xạ sóng điện từ hấp thụ vào cơ thể người dùng từ các thiết bị vô tuyến, đặc biệt là các thiết bị cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng… các tiêu chuẩn quốc tế về SAR đã ra đời và trở thành qui chuẩn cho các hãng sản xuất thiết bị vô tuyến. Việc thực hiện các phép đo giá trị SAR hiện nay, đặc biệt là với các thiết bị vô tuyến nhiều anten phát vẫn là một thách thức đối với các hãng sản xuất và cơ quan đo kiểm thiết bị do giá thành của thiết bị đo còn quá cao, số phép đo lớn, tốc độ các phép đo còn chậm. Việc nghiên cứu, đánh giá các kỹ thuật đo hiện có, đề xuất kỹ thuật đo mới đơn giản và hiệu quả hơn là rất cần thiết. Vì các lý do như vậy, đề tài luận án “Nghiên cứu kỹ thuật ước lượng và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định SAR của thiết bị vô tuyến nhiều anten phát” có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao.

Các kết quả chính đạt được và những đóng góp mới của luận án:

– Đề xuất một kỹ thuật ước lượng và qui trình đo nhanh SAR của thiết bị vô tuyến nhiều anten phát sử dụng đầu dò điện trường véc-tơ dựa trên việc bật/tắt tuần tự các anten phát.

– Phân tích, xây dựng mô hình kiểm chứng, thực hiện mô phỏng kiểm chứng để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố dẫn đến sai số và làm sai lệch kết quả đo so với các kỹ thuật ước lượng SAR.

Luận án của NCS Chu Văn Hải là một công trình khoa học được tác giả tiến hành một cách công phu, nghiêm túc. Các kết quả nghiên cứu trong luận án có tính mới, có đóng góp về khoa học và thực tiễn và có thể tin cậy được. Luận án đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án tiến sĩ kỹ thuật theo quy chế của Bộ Giáo dục vàĐào tạovà của Học viện KTQS. Các công trình đã công bố của tác giả phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của luận án và được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước. Tóm tắt luận án phản ánh trung thực nội dung nghiên cứu của luận án.