NCS Đỗ Văn Phương bảo vệ thành công LATS cấp Học viện

Ngày 21/01, Học viện KTQS đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho NCS Đỗ Văn Phương với đề tài: “Nghiên cứu nâng cao chất lượng bộ lọc thông dải siêu cao tần sử dụng trong công nghệ mạch vi dải ứng dụng cho các hệ thống vô tuyến”, ngành: Kỹ thuật điện tử; mã số: 9.52.02.03, do TS Đoàn Minh Tân và TS Tạ Chí Hiếu hướng dẫn.

Hội đồng đánh giá luận án gồm các thành viên: PGS. TS Vũ Thanh Hải – Học viện KTQS, Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS Nguyễn Quốc Định – Học viện KTQS, Phản biện 1; PGS. TS Nguyễn Xuân Quyền – ĐH Bách khoa Hà Nội, Phản biện 2; PGS. TS Lê Nhật Thăng – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Phản biện 3; PGS. TS Hoàng Văn Phúc – Học viện KTQS, Thư ký; PGS. TS Bạch Nhật Hồng – Viện KH&CNQS, Ủy viên; PGS. TS Nguyễn Tùng Hưng – Bộ Tư lệnh 86, Ủy viên.

Nội dung luận án của NCS Đỗ Văn Phương phù hợp với tên đề tài nghiên cứu đã được phê duyệt và phù hợp với chuyên ngành Kỹ thuật điện tử, mã số 9.52.02.03 theo Thông tư Số 25/2017/TT-BGD&ĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề tài nghiên cứu của NCS Đỗ Văn Phương không trùng lặp so với các công trình, luận án đã công bố trong và ngoài nước. Việc trích dẫn tài liệu tham khảo của NCS rõ ràng, đầy đủ và trung thực.

Về ý nghĩa khoa học: Luận án nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết kế nhằm cải thiện đặc tính chọn lọc tần số và nâng cao chất lượng bộ lọc vi dải góp phần đóng góp cơ sở lý thuyết và thực nghiệm về phát triển cấu trúc bộ lọc vi dải ứng dụng trong thông tin vô tuyến siêu cao tần.

Về ý nghĩa thực tiễn: Các bộ lọc được thiết kế thử nghiệm có khả năng ứng dụng cho các hệ thống thông tin vô tuyến ở dải siêu cao tần như GPS, WLAN, WiMAX.

Luận án đã đề xuất hai giải pháp thiết kế nâng cao chất lượng bộ lọc vi dải ứng dụng cho các hệ thống vô tuyến, cụ thể các đóng góp mới như sau:

– Đề xuất giải pháp thiết kế bộ lọc vi dải đa băng sử dụng cấu trúc mạch cộng hưởng tải nhiều dây chêm đa mode kết hợp với mạch cộng hưởng đơn mode, cấp nguồn trực tiếp kiểu dây rẽ đối xứng để tạo ra nhiều điểm truyền 0 trong đáp ứng tần số cải thiện đặc tính chọn lọc tần số, nâng cao chất lượng bộ lọc. Thiết kế thử nghiệm 03 bộ lọc vi dải đa băng theo giải pháp trên.

– Đề xuất giải pháp thiết kế bộ lọc vi dải cộng hưởng ghép song song sử dụng kỹ thuật DGS để cải thiện tham số tổn hao, nâng cao chất lượng của bộ lọc. Thiết kế thử nghiệm 03 bộ lọc vi dải cộng hưởng đường truyền ghép song song sử dụng kỹ thuật DGS theo giải pháp trên.

Với kết quả bỏ phiếu 7/7, Hội đồng nhất trí đánh giá: Luận án tiến sĩ kỹ thuật của NCS Đỗ Văn Phương là một công trình NCKH nghiêm túc, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Luận án sử dụng phương pháp phù hợp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung, hình thức của một luận án tiến sĩ kỹ thuật theo quy chế của Bộ Giáo dục – Đào tạo và Học viện KTQS.